Cảm xúc và những mối quan hệ

Ngoại trừ một số cảm xúc bản năng, thì hầu hết cảm xúc của con người đều tới từ các mối quan hệ với bên ngoài.
Từ khi là bào thai trong bụng mẹ, con người đã trải nghiệm cảm xúc.
Mẹ vui khỏe, yêu thương, tâm trạng bình an, ăn ngủ điều độ… thì đứa nhỏ cũng trải nghiệm sự thoải mái, an hòa. Mẹ căng thẳng, đau khổ, mệt mỏi, tức giận … đứa nhỏ cũng trải nghiệm căng thẳng, áp lực … (muốn biết kỹ xin search GG xem các nghiên cứu khoa học về vấn đề này).
Khi sinh ra, đứa trẻ hoàn toàn phụ thuộc, nó có thể được nâng niu yêu thương, chăm sóc, cho bú … và cảm xúc thoải mái dễ chịu tiếp tục gia tăng thông qua những điều nó được nhận. Tương tự, nó nhận biết những cảm xúc khó chịu, bất an khi người xung quanh căng thẳng, cãi cọ, la hét.
Một cách tự nhiên, con người tìm kiếm những cảm xúc mang lại cho mình sự dễ chịu và né tránh những cảm xúc khó chịu. Đứa trẻ học được là khi nó “ngoan/ dễ thương …” đại khái là đáp ứng một số mong muốn nào đó của người khác/ sinh vật khác … thì nó sẽ nhận lại được sự quan tâm/ hành động … khiến nó cảm thấy thoải mái.
Ở cấp độ thấp nhất, sự thoải mái này đồng nghĩa với sự an toàn. Con người giống như hầu hết các loài động vật khác, sống bầy đàn với nhau vì nhu cầu được an toàn. Gia đình/ gia tộc/ quê hương/ dân tộc/ đất nước … chính là mô hình con người văn minh hóa nhu cầu được cảm thấy mình được an toàn, được bao bọc.
Con người có bản năng tự nhiên là tìm kiếm sự an toàn trong cộng đồng xung quanh. Để có sự an toàn đó, nó cần phải được cộng đồng công nhận. Nhu cầu được công nhận/ được thuộc về/ được yêu thương – là nhu cầu bức thiết chỉ sau nhu cầu sinh tồn cơ bản.
Và đó là nguồn gốc của rất nhiều cảm xúc tích cực cũng như tiêu cực.
Để được cộng đồng của mình (ở đây cộng đồng có nghĩa rộng từ gia đình tới cơ quan, trường học, nơi sinh sống, thành phố, đất nước …) công nhận, chúng ta cố gắng phấn đấu, nỗ lực học tập, nỗ lực thành công, nỗ lực xinh đẹp, nỗ lực để trở nên nổi bật.
Vì chúng ta được dạy rằng càng thành công, nổi bật… thì càng được công nhận (giống như dấu tích xanh trên FB 🙂 )
Để được thuộc về, chúng ta cố gắng hành xử khéo léo, chú ý hành động từ ăn mặc tới nói năng … để làm sao không bị chướng mắt trong cộng đồng lớn nhỏ của mình, để không trở thành con quạ trắng giữa bầy quạ đen.
Để được yêu thương, chúng ta cố gắng hy sinh những gì mình yêu thích, cố gắng bỏ qua, tha thứ, nhẫn nhịn, cố gắng làm đủ thứ để người mình yêu quý yêu quý mình …
Những cảm xúc tích cực sinh ra từ những nỗ lực đáp ứng nhu cầu đó rất nhiều.
Nhưng những cảm xúc tiêu cực sinh ra từ những nỗ lực đó cũng nhiều không kém.
Vì cộng đồng đó bao gồm những con người khác nhau với thiên hình vạn trạng tiêu chuẩn và đòi hỏi khác nhau – để được họ thừa nhận/ công nhận/ chấp nhận / yêu thương – đó là một khối lượng công việc khổng lồ.
Làm thế nào để thỏa mãn nhu cầu đó của mình mà vẫn tràn đầy cảm xúc tích cực/ hân hoan/ vui sướng?
Đơn giản lắm.
Hãy làm ngược lại.
Luôn luôn công nhận những sự đặc biệt/ nỗ lực/ cố gắng/ thành công dù nhỏ nhất của người khác.
Luôn luôn mở rộng vòng tay bao dung, chấp nhận, nâng đỡ … những yếu đuối/ thất bại/ thiếu hụt của người khác.
Luôn luôn yêu thương bất kể người khác như thế nào.
Khi đó, nhu cầu của bạn đã trở nên tràn đầy.
Love and Hugs ❤

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *