Hôm nay ăn gì?

Câu hỏi này quen quá là quen, nhất là với mấy cô vợ đảm, bà mẹ thích chăm con. Cái bếp ngốn thời gian kinh khủng luôn.
Nhớ năm mình 17 tuổi, học năm thứ nhất đại học, con bạn cùng lớp rủ sang KTX nam phòng người yêu nó chơi, các anh làm cơm đãi. Cơm ngày đó chắc chẳng có gì, mình chỉ nhớ là mọi người nhờ mình rán trứng. Mình đứng ngẩn ngơ nhìn quả trứng không hiểu nên làm gì 🙂 … Từ đó mình nổi tiếng 🙂
20 tuổi tới nhà bạn trai chơi, cũng theo lệ vào bếp, bà mẹ chồng tương lai đưa miếng thịt bò bảo thái cho bác, con bé cả đời chưa thái thịt bao giờ lại đứng loay hoay suy nghĩ, rốt cuộc bà ấy đành bảo thôi để bác thái 🙂
Từ bé tới lớn cỗ bàn giỗ tết gì mình cũng chỉ biết thấy đồ ăn bày ra là ngồi chén, cứ như là cái nem bát xôi nó tự mình nấu ấy. Cơ mà mẹ yêu chiều mình lắm, thật nghĩ đi nghĩ lại không hiểu sao mình ngày đó vô tư thế, chỉ biết về cơm bưng nước rót tận miệng xong ăn rồi đi chơi cả ngày 🙂
Nói thế để mọi người biết là đời cái gì cũng có thể học được, chỉ là bạn có muốn học hay không. Mình mò đi học nấu ăn và nữ công gia chánh nguyên một năm liền, sau này mình nấu ăn rất khéo, nhà cỗ bàn gì đều đến tay mình.
Quay lại cái bếp. Một đứa lười, không thích mùi bếp núc, không thích bận rộn, nhưng lại muốn con cái được ăn ngon và ăn sạch, thì phải làm thế nào? Con mình từ bé hầu như không bao giờ ăn bán trú, 3 bữa ăn ở nhà cả.
Cái lười nó ló cái khôn các bạn ạ.
Bí quyết của mình thời mới học cách làm một bà nội trợ rất đơn giản thế này:
1. Quan sát tìm hiểu, ghi nhớ sở thích ăn uống của từng thành viên trong nhà (thông qua lúc ăn, lúc đi ăn ngoài, trò chuyện hỏi han …)
2. Tìm hiểu và ghi nhớ sản vật đồ ăn chuyên biệt của từng mùa ở vùng mình sống (ví dụ mùa đông có rau cỏ hoa trái gì …), tránh mua đồ trái mùa, vừa không ngon vừa đắt.
3. Tìm hiểu về các món ăn thích hợp theo mùa và hợp với thể trạng của người nhà mình (bé hiếu động sẽ ăn khác bé tính ôn hòa, mẹ chồng bị huyết áp cao lại ăn khác …)
4. Tìm hiểu tới đâu ghi chép hết lại vào sổ để nhớ. Mấy cái này dễ tìm lắm ạ, từ năm 1992 – 1993 chưa có internet mình còn tìm được trong sách vở đầy.
5. Từ các thông tin trên, mình bắt đầu lên menu các món ăn theo mùa/theo sở thích/theo thể trạng của người trong nhà. Món nào cần gia giảm thế nào ghi chép ra luôn, ví dụ cà tím nấu đậu sẽ ghi note bên cạnh là cần hành củ/tía tô/nghệ …
Tin mình đi, nghĩ ăn gì tốn thời gian lắm, nên ghi chép là để đỡ phải nghĩ; hoặc tránh vội vàng sẽ mua thiếu gia vị, món ăn không tròn vị.
6. Menu này sẽ thường được thay đổi, bổ sung, update để thích hợp với độ trưởng thành/thay đổi sở thích của cả nhà, cơ mà thay đổi tính theo năm thôi.
7. Sau đó thì dễ rồi. Mỗi mùa có một list danh sách chừng độ trăm món: canh/rau/món mặn … được chia ra theo bữa sáng/trưa/tối.
8. Cuối tuần chọn ra menu cho cả tuần tới, sau đó thường sáng thứ 7 mình đi chợ một lượt, mua đủ cho cả tuần, về sơ chế hết và cất gọn vào tủ lạnh. Món nào cần kho/hầm nấu kỹ thì nấu luôn. Ví dụ hồi xưa ăn mặn, mình không bao giờ ăn cá kho một lửa cả, ít nhất là hai lửa, nên cần kho sẵn trước. Cô út thích món đùi gà rán thì đùi gà cần ướp trước ít nhất là 12 tiếng mới có thể nấu được … . Hì hì mình khiến con nhà mình ăn cầu kỳ quen nên sau này đi ra ngoài tới nhà khác các nàng ấy toàn bị ăn không được. Món ăn nó lạ lắm, ví dụ có món chỉ thiếu một nửa thìa nghệ đã mất hết vị rồi.
9. Vội vàng không bao giờ nấu ăn ngon được, nên mọi món ăn mình đều chuẩn bị kỹ càng vào ngày cuối tuần, sau đó trong tuần chỉ bổ sung thêm, nấu rất nhanh. Các món được sắp xếp khoa học, cái gì cần nấu sớm sẽ ăn trước. Càng về cuối tuần ăn càng nhẹ.
Chủ nhật không nấu ăn mà đi ra ngoài đi chơi và ăn ở ngoài. Chủ nhật nói chung là nghỉ ngơi.
10. Nấu tới đâu dọn ngay tới đó. Mình sợ nhất là được mời ăn mà bàn ăn kế cái bếp còn đầy bát đĩa chưa rửa, bàn bếp bừa bộn. Mình mời khách là khi khách tới bếp đã quang đãng, bàn ăn đã gọn gàng chỉ việc thong thả ngồi ăn và trò chuyện. Nhà mình cũng vậy, khi ngồi ăn là bếp đã được dọn sạch và lau sạch sẽ thơm tho.
11. Nếu bạn ăn mặn, nên có hai tủ lạnh, một chứa đồ ăn mặn và một chứa rau củ trái cây. Tủ nhỏ thôi, đừng tham chất chứa tích lũy đồ ăn, vì đồ ăn là thứ cuối cùng nên tích trữ. Mình trước kia chỉ trữ đồ ăn đủ cho 5 ngày, với khẩu phần thích hợp.
VÀI LỜI KHUYÊN NHỎ VỀ THỰC DƯỠNG
Trước kia mình ăn theo lối cổ truyền nên nấu nướng mất thì giờ hơn nhiều. Giờ học về thực dưỡng mới thấy mình ngày xưa dốt quá.
12. Thức ăn càng chế biến đơn giản, càng tinh thuần càng lành mạnh, càng ngon. Các món nấu kho hầm quá kỹ bây giờ mình loại bỏ hết rồi.
13. Gia vị quan trọng không kém nguyên liệu chính. Gia vị như vitamine vậy, giúp kích hoạt hệ miễn dịch, tăng cường khả năng đề kháng.
14. Hãy càng sớm càng tốt tạo cho trẻ em thói quen ăn uống thanh nhẹ, lành mạnh. Đừng bao giờ chiều chuộng cho con ăn KFC, đồ ăn nhanh, đồ chiên rán… tạo thói quen vô cùng khó sửa sau này. Mình mất 7 năm để giờ con mình ăn uống lành mạnh hơn nhiều so với trước kia.
15. Ăn ít thôi. Ăn ít luôn luôn tốt hơn ăn quá nhiều. Đừng sợ ăn ít con không lớn, trái lại mới đúng. Ăn ít nhưng đầy đủ cân bằng, dễ tiêu hóa tốt hơn nhiều ép con ăn nhiều gây tổn hại cho toàn bộ hệ thống tiêu hóa từ sớm.
16. Dạy con quan sát phân lúc đi ngoài và bảo mẹ để biết mà cân bằng bữa ăn cho con.
17. Nên cho con uống sữa hạt/ bột đậu hỗn hợp thay vì sữa bò, vừa cân bằng thể trạng, vừa dễ tiêu và tránh được mọi thứ nguy hại từ sữa bò công nghiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *