Nhiều năm trở lại đây, ai ai cũng nói tới việc “sống trong hiện tại, tỉnh thức trong từng phút giây”. Tư tưởng này được đưa ra bởi lẽ, con người hiện đại sống quá vội vã, họ không thể làm chủ được bản thân, họ bị mọi thứ xung quanh cuốn đi, bị cái gọi là “dòng đời” xô đẩy.
Ăn cũng nghĩ, ngủ cũng lo, ngày nào cũng chạy sấp ngửa từ sáng tới khuya.. Cao lương mỹ vị thừa mứa mà ăn chẳng biết ngon, giường đệm ga gối lụa là vẫn mất ngủ trằn trọc.
Vì thế các bậc tu hành đành đưa ra pháp môn “sống trong hiện tại, đếm từng hơi thở” – để nhắc nhở mọi người “sống chậm lại, từ từ thôi, để nhận biết cuộc sống. Đời nên là một cuộc khám phá thong thả và chi tiết chứ không phải một chuyến đi tour ào ào chỉ để check in vài điểm đến.”
Nhưng chậm lại rồi, rồi sao?
Khi đã đủ tĩnh, hãy tập trung vào tương lai.
Nếu như quá khứ là bài học, hiện tại là hành động, thì tương lai là động lực.
Thực ra, chúng ta làm mọi hành động trong đời đều là vì tương lai. Nếu không nghĩ tới tương lai, thì việc học hành/ tập luyện/ lao động/ hôn nhân … chẳng có ý nghĩa gì cả. Câu chuyện nàng Pandora vẫn còn nguyên đó, hạt giống quan trọng nhất còn sót lại chính là Hy Vọng. Hy vọng, là ước muốn tương lai, là mong đợi một điều gì đó tốt hơn.
Khi đủ tĩnh, hãy nhìn vào tương lai mà bạn thật sự khao khát đạt tới.
Với người tu hành, tương lai là Niết bàn, là Thiên Đường, là Nước Chúa, là sự giải thoát khỏi luân hồi. Gần hơn nữa, là hình ảnh các vị chân sư, các vị thầy đang chuyển hóa tâm thức hàng triệu người. Khi nhìn vào hình ảnh tương lai ấy, người tu hành có khao khát đi tới đó/ trở thành như vậy.
Các hình ảnh tương lai đó mang tới sức mạnh/ động lực/ sự khích lệ … trên hành trình tu tập gian khó.
Như ngọn hải đăng chiếu sáng trong đêm chỉ dấu cho tàu thuyền; ngọn hải đăng không giúp tàu thuyền vượt qua bão tố, nhưng nó cho tàu thuyền niềm hy vọng về một chốn an toàn không quá xa.
Tương lai mà bạn chọn sẽ quyết định toàn bộ hành trình nghiệp cuộc đời này của bạn.
Hãy chọn chính xác, và tập trung hoàn toàn vào đó. Bạn sẽ nhận được tất cả sự trợ giúp cần tới.
Khổ đau nhất là những người có quá nhiều tương lai; họ phân tán và dao động liên tục giữa các đích tới khác nhau và cuối cùng kiệt sức ở giữa muôn nẻo đường đời, chẳng có đích nào là trọn vẹn.
Gita.Ji