Đừng chê người Việt

Sự khác biệt lớn nhất giữa các dân tộc “nhỏ” và dân tộc “lớn” không phải là số dân hay là kích thước lãnh thổ; mà là ở nền tảng tư tưởng, văn hoá, triết học. Đó là gốc rễ tạo nên sự khác biệt. Nói đơn giản, sự khác biệt giữa người và người cũng vậy – là ở nền tảng tư tưởng/ giáo dục/ văn hoá của gia đình, nơi họ được nuôi dạy nên.

Châu Âu mạnh về tư duy, vì họ có nền tảng tư tưởng và văn hoá vững chắc từ cổ xưa. Các nhà tư tưởng Hy – La từ hàng ngàn năm đã rèn giũa nên một cộng đồng người Âu có hệ thống tư duy logic rõ ràng; từ đó có sức mạnh tâm trí luôn đặt câu hỏi, nghiền ngẫm, phản biện, tìm kiếm và khám phá chân lý.

Trung Quốc mạnh về tổ chức, vì họ có nền tư tưởng Đạo – Nho, “Nhân trị – Pháp trị”, có hàng chục nhà tư tưởng lớn đặt nền móng và rường cột cho toàn bộ hệ thống xã hội Trung Hoa từ hàng ngàn năm nay, vững chắc không thể lay chuyển.

Ấn Độ mạnh về tinh thần, vì họ may mắn được tiếp nhận nền tảng tư tưởng do các tu sĩ cao cấp bậc nhất thế giới xây dựng từ khởi thuỷ. Mọi người thường không thích/ chê bai Ấn Độ; nhưng Ấn Độ có thể ví như một thánh đường quyền năng, vì sự quyền năng ấy mà thượng vàng hạ cám các linh hồn đổ xô về để mong nhận được một chút.

Nga, mạnh về năng lượng, vì họ nằm ở điểm hội tụ năng lượng đặc biệt về địa lý. Nhờ có sự hội tụ đó mà nước Nga sản sinh ra những nhà tư tưởng cũng rất đặc biệt, pha trộn giữa cả Âu – Trung Hoa – Ấn Độ. Người Nga bất khả chiến bại, vì sức mạnh năng lượng của họ được bổ sung không ngừng; tuy nhiên họ lại khá bình hoà nhờ trạng thái năng lượng của họ tới từ thiên nhiên.

Một vài nhóm dân tộc khác tuy đã từng có sức mạnh về tư tưởng như Ai Cập; nay đã không còn mạnh mẽ, vì hệ tư tưởng của họ mang tính ma thuật và huyền bí; không dành cho số đông và không được phổ biến tới đại chúng.

Nói tới chuyện này, để bảo chúng ta đừng chê trách người Việt Nam, cũng như so sánh với người các “nước lớn”. Đơn giản đó là chuyện con nhà nghèo sẽ không có nền tảng như con nhà giàu.

Thật ra chúng ta rối rắm như bây giờ, vì nền tảng của chúng ta là văn minh Trung Hoa; nhưng sau một thời gian thuộc địa thì lại hướng về Âu Mỹ. Nên người Việt ta giống như cô gái mặc áo dài đi nhảy sexy dance vậy; nó không ra cái kiểu gì rõ ràng.

Mình vẫn nghĩ, rốt cuộc người Việt phải chọn một con đường tư tưởng để theo. Đừng tự cho mình có thể nghĩ ra “văn hoá Việt”; vì văn hoá là cái thứ cần cả ngàn năm trui rèn mới có. À, mà đúng ra chúng ta cũng có rồi, nhưng chẳng qua là cố từ chối nó thôi. Cái khổ chính là ở chỗ đó.

GT.J

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *