Khi học “Nhận thức bản thân”, có em hỏi tôi: “Chị ơi, liệu em có drama quá khi vật vã đau buồn về tuổi thơ của mình không? Em thấy những người xung quanh ở lứa tuổi em hầu hết phải trải qua tương tự, bị đánh mắng, bị bố mẹ bận rộn nên bỏ mặc, bị ép học hành, bị so sánh … Nếu đa số bị như vậy, thì đó là điều hoàn toàn bình thường và em không nên có cảm xúc khổ đau mới đúng chứ?”
Em ơi,
Nỗi đau của em là thật. Sự cô đơn của em là thật. Những giọt nước mắt của em là thật. Cô bé đó đã trải nghiệm những điều chân thật như vậy đó. Nếu đau khổ, cô đơn, buồn rầu, mệt mỏi … là điều bình thường, thì tại sao chúng ta lại cố gắng chữa lành nó, chạy trốn khỏi nó?
Như con cá ở trong nước là bình thường, nó không cố gắng chạy trốn khỏi nước – chỉ khi bị giạt lên bờ thì nó mới cố gắng tìm về với nước, vì trên bờ là không bình thường với nó.
Khi chúng ta hạnh phúc, hân hoan, vui vẻ, yêu thương, đồng hành, say sưa … chúng ta có muốn trốn chạy và chữa lành những điều này không – hay chúng ta say sưa hạnh phúc tận hưởng những giờ phút đó? Say sưa chứ, thoải mái chứ – vì đây là trạng thái BÌNH THƯỜNG NGUYÊN THỦY của con người.
Sự khổ đau, cô đơn, buồn rầu, tổn thương … là “KHÔNG BÌNH THƯỜNG”, dù ta nhìn thấy khắp nơi và liên tục. Việc chấp nhận sự “không bình thường” như một điều bình thường – là một hành trình “bị tẩy não” một cách tinh vi từ cả ngàn năm – vì nhiều lý do không bàn ở đây.
Bố mẹ các bạn nghĩ vậy là “bình thường” và đối xử với các bạn như vậy, vì họ nhận từ ông bà cụ kỵ của họ. Nhưng nếu các bạn cũng tiếp nhận điều đó và chấp nhận nó – thì các con bạn sẽ tiếp tục phải đón nhận những hình thức tinh vi khác của sự đau khổ.
Bao nhiêu đứa trẻ con nhà giàu, được chiều chuộng nâng niu, được hưởng nền giáo dục tốt nhất … đang vật vã trong đau khổ, trong cô đơn?
Chừng nào bố mẹ chúng còn coi việc “phải đau khổ, phải cay đắng, phải cô đơn …” là bình thường, thì đời chúng tiếp tục đung đưa giữa hai thực tại Nhị nguyên đó.
Chúng tiếp tục tin rằng: “phải trải qua đau khổ mới có thể hiểu được giá trị của Hạnh phúc”
Chúng tiếp tục đặt câu hỏi là “nếu khổ đau là bình thường, thì tại sao tôi lại đau khổ như thế khi đau khổ 🙂 ” – và tự dằn vặt, phán xét mình suốt cuộc đời.
Chúc Bình an!