Trung Quốc dẫu trải qua cuộc cách mạng văn hóa tàn phá dữ dội hàng ngàn vạn di sản của mấy ngàn năm lịch sử nhưng vẫn còn may mắn sót lại một số điểm cho tới sau này được bảo tồn khá tốt, ví như một số cổ trấn, lăng tẩm.
Nếu nói trung thực với lòng mình, thì cổ trấn Trung Hoa tác động mạnh mẽ tới tâm hôn tôi hơn hẳn những làng cổ châu Âu, cho dù tôi gắn bó với văn chương châu Âu từ nhỏ, thích xem phim tây hơn tàu, thích sự lãng mạn và vẻ đẹp của các chàng trai da rám nâu tóc vàng loăn xoăn phong thái tự do ngạo ngược rất trẻ con mà trai các châu lục khác khó mà có được, thích dạo bước trên những làng cổ bé bé xinh xinh lát đá bên mỗi cổng vòm phủ đầy hoa lại có gắn cây đèn cổ cong cong tỏa sáng ấm áp khi đông về. Nếu nhìn từ góc độ mỹ học thì làng cổ châu Âu mang vẻ đẹp của một bức điểm họa màu nước pastel tươi mát tỏa ra sự thanh bình êm ả từ đời sống thong thả từ tốn khi mọi thứ độc lập, riêng biệt, khép kín lại đều nằm trong trật tự và hài hòa tương tác với nhau khiến khách lạ tới đây cũng cảm thấy an toàn, tới rồi không muốn rời đi.
Cổ trấn Trung Hoa thuộc về một phạm trù mỹ học hoàn toàn khác.
Mỗi cổ trấn là một câu đố triết học, một bài toán về quy tắc sống, nó không phải là tổng hòa của nhiều căn nhà độc lập mà nó là một căn nhà lớn khổng lồ được sắp đặt theo triết lý phức hợp của Nho gia, Đạo gia, Âm Dương ngũ hành … trong đó mỗi thành viên nhỏ của nó lại tiếp tục thể hiện triết lý ấy theo cấp độ thấp hơn.
Cổ trấn Trung Hoa là nơi ta muốn đến thăm nhưng ta không muốn ở lại. Nó giống như một con rồng ngủ giấc ngủ miên viễn với thời gian nhưng vẫn hàm chứa nội lực và sức mạnh bí ẩn khiến ta cảm thấy không khỏi lo âu một lúc nào đó nó vươn mình tỉnh dậy và sự cựa mình của nó có thể đè nát những sinh vật ngoại lai cố xâm nhập vào lãnh thổ của nó.
Nó không có đường nét nào quá rõ ràng, quá cụ thể, nhưng nó lại sâu hun hút khó lường, như bức tranh thiền vẽ theo kiểu thủy mạc chỉ vài nét phác đen trắng biến ảo theo tâm vọng động của người xem.
Thế nhưng, chính vì cái bàng bạc mơ hồ ấy, chính vì cái cách cấu trúc nhìn thì mở toang mà lại hoàn toàn kín kẽ ấy đã làm tôi mê mẩn. Xuân hạ thu đông, mùa nào cổ trấn Trung Hoa cũng đẹp, nhưng theo ý tôi thì mùa đông là đẹp nhất, khi liễu tàn hoa khô, tuyết rơi trắng trên những mái nhà lợp đá đen cong cong trong chiều gió đổ, tuyết phủ trên lối ngõ nhỏ ngập lối đi trên đó nổi bật những ngôi nhà cổ như sẫm đen hơn trên tuyết – khung cảnh đã trở thành vĩnh cửu trong các bức thủy mạc Trung Hoa, nơi cảnh và đạo hòa quyện, thiên nhiên u tịch thanh khiết – hợp với các đạo sĩ nho sĩ tàu mang bầu rượu túi thơ ngắm thiên nhiên mà làm thơ gieo vần cảm khái nhân tình thế thái.
Lệ Giang là một cổ trấn như vậy, nói đúng hơn là một cổ thành như vậy.
Ở đây có 3 cổ trấn: Dayan (Đại Nghiên) là lớn nhất, thường được gọi là Lệ Giang cổ trấn (Lijiang old town – nơi tập trung đông khách du lịch nhất), nhưng chính xác thì cả cụm từ chỉ Dayan là Đại Nghiên Cổ Thành chứ không phải chỉ là cổ trấn; lớn thứ 2 là Shuhe (Thúc Hà) cổ trấn và thứ 3 là Baisha (Bạch Sa) cổ trấn. Cả ba đều có rất nhiều con kênh nhỏ nhỏ xinh xinh chạy chằng chịt như mạng nhện đón nước từ Ngọc Long Tuyết Sơn chảy xuống những con kênh này kết nối với nhau từ Đại Nghiên đến Thúc Hà rồi Bạch Sa.
Đại Nghiên cổ trấn nằm trên độ cao 2.400m, trên cao nguyên Vân Quý, cách Côn Minh hơn 500km và có diện tích 3,8km², có lịch sử lâu đời hơn 800 năm, được xây vào cuối đời Tống, đầu đời Nguyên.
Khi tôi tới đã đầu đông, trời bắt đầu lạnh giá dẫu tuyết chưa rơi xuống thị trấn nhưng du khách đã phải mặc ấm khi ra ngoài, sáng sớm đã thấy lớp băng mỏng phủ trên mặt đất. Mấy ngày đầu tôi chọn khách sạn ở Thúc Hà, nằm cách khu old town chừng hơn chục cây số (trong một khách sạn “kỳ quái” nhất tôi từng ở, khi toàn bộ cấu trúc nhìn bên ngoài thì hoàn toàn là một khu nhà kiểu cổ như mọi nhà ở đây, nhưng bên trong phòng thì trần thiết toàn gương và kính, thậm chí khu vệ sinh cũng trong suốt, nhìn ấn tượng nhưng cũng bất tiện, nhất là phản lại phong thủy khi nguyên bức tường lát toàn bằng gương đến nỗi tôi phải kéo hết rèm che tường mới ngủ được)
Tôi thích khu cổ thành này vì sự đơn sơ vắng vẻ do ít khách du lịch, dẫu cũng cấu trúc đẹp y như khu thành lớn. Tối đầu tiên, hai chúng tôi ra ngoài trong cái lạnh se sắt để ôm nhau đi dạo dọc phố nhỏ quanh co được chiếu sáng bằng từng dãy đèn lồng đỏ treo dưới mái hiên, ngồi ăn lẩu bò Yak trên cái ghế dài phủ da thú ấm áp, uống rượu trong be sành mà cảm thấy mình đúng là đang sống trong không gian của phim kiếm hiệp Kim Dung. Lệ Giang thực ra cũng là phim trường quen thuộc một thời của nhiều bộ phim cổ trang mà gần đây nhất là phim “Khuynh thế hoàng phi”, “Tứ đại danh bổ”. Đêm xuống, quảng trường trung tâm tụ tập một đám đông du khách trẻ Trung Quốc đốt lửa trại, nhảy múa hát hò tới khuya. Hai đứa tựa vai nhau ngồi trên băng ghế gỗ cạnh bờ kênh đào ngắm nhìn lửa bập bùng trong lạnh giá, bầu trời đêm thăm thẳm lào xào tiếng gió xen trong tiếng lá.
Ở Lệ Giang, đêm đêm chúng tôi ngủ rất ít thế mà luôn cảm thấy thật khỏe nhờ không khí trong lành ở độ cao hàng ngàn mét so với mặt biển, nhất là lại ở nơi yên tĩnh cách khá xa so với khu du lịch náo nhiệt….
…………………………
Trích từ sách: “Đi và Yêu” – tác giả Phương Hoa
Link đặt sách: https://forms.gle/wD9ebRgVPbAGxa3h7