Bình đẳng giới thực sự không phải chỉ nằm trong việc mở rộng quyền lực và sự tôn trọng dành cho phụ nữ – đó chỉ là những giải pháp và câu chuyện của phần ngọn.
Bình đẳng giới thật sự, đó chính là sự nhận ra, hiểu và tôn trọng TÍNH TOÀN THỂ của một con người. Con người bẩm sinh không có sự phân biệt tính nam và tính nữ. Ngoại trừ sự khác biệt về bộ phận sinh sản động vật ra – thì chúng ta đều ghi nhận những đặc điểm tính cách như nhau ở cả hai giới.
Phụ nữ có sự tự do, mạnh mẽ, độc lập không? Có chứ. Có mạnh là đằng khác.
Nam giới có sự dịu dàng, ngọt ngào, chu đáo, quan tâm không? Có mạnh luôn.
Sự phân chia đặc điểm tính cách con người theo giới tính sinh sản là cách phân chia ngớ ngẩn nhất, không khác gì mấy cô chị trong Lọ lem cố cắt chân cho vừa giày. Những đứa trẻ bị “chia” theo giới tính sinh sản và được giáo dục theo các khuôn mẫu khác nhau ngay từ bé, khiến cho chúng trở nên què cụt về nhân cách, chịu tổn thương về tinh thần một cách tinh tế.
Chúng ta dạy con trai phải mạnh mẽ, kiên định, không được khóc, phải che giấu đi sự mềm yếu của mình, phải chiến đấu … để “xứng đáng là đàn ông”.
Chúng ta dạy con gái phải dịu dàng, phải hy sinh, phải ngoan ngoãn … phải che giấu đi sự thông minh, độc lập, mạnh mẽ của mình … để “là người phụ nữ đích thực”.
Sự bất bình đẳng giới sâu sắc nhất chính là ở đây. Ở trong cậu bé trai, phần nữ tính của nó bị cấm đoán, đè nén, cắt bỏ, sỉ nhục … và phần nam tính bị kích hoạt thường xuyên để trở nên thống trị.
Ở cô bé gái, phần nam tính mạnh mẽ, tự do, độc lập, khoáng đạt, bị đối xử tương tự – và chỉ được phép phát triển phần tính nữ của mình.
Vì thế, khi lũ trẻ lớn lên, chúng ta mới chứng kiến những sự thiếu hụt về nhân cách, những tổn thương tinh thần sâu sắc. Có những đứa bé trai trở nên quá nam tính, nhưng bên trong nó yếu đuối, dễ tổn thương, thiếu tình cảm, khô khan tàn nhẫn với chính mình. Nó trở nên yếu kém trong sự tương tác với phần nữ tính bên trong mình cũng như với những người phụ nữ bên ngoài. Có nhiều đứa thì vẫn giữ được phần nào sự tương tác với tính nữ trong nó – thế nhưng nó sẽ mang mặc cảm là “còn yếu đuối như đàn bà”.
Đối với các em gái cũng vậy. Mất đi khả năng cảm nhận tính nam trong mình, các em rơi vào trạng thái yếu đuối và thiếu hụt, luôn luôn “đi tìm” sự bổ sung từ quan hệ với người nam để làm mình bớt đi sự trống trải cô đơn bên trong – hoặc trở nên “nổi loạn”.
Và mặc cảm “tội lỗi” luôn theo sát tất cả chúng suốt cuộc đời.
Những câu chuyện bi kịch tâm lý này xảy ra khắp nơi, hàng tỉ con người đều bị giáo dục trong sự bất bình đẳng sâu sắc từ tấm bé này – và sự mất cân bằng nội tâm nghiêm trọng này đã gây ra vô số vấn đề trong đời sống con người từ tâm lý tới công việc, cuộc sống, quan hệ gia đình và quan hệ xã hội.
Giáo dục sự bình đẳng giới – gốc rễ là giáo dục cho trẻ hiểu được sự cân bằng của các phẩm chất bên trong trẻ một cách tự nhiên – phẩm chất là phi giới tính. Nhưng nếu đã bị phân chia thành hai nhóm Âm – Dương – thì hãy để trẻ hài hòa với cả hai mặt bên trong con người mình.
Hãy để đứa trẻ được sống một cách tự nhiên với mọi phẩm chất bẩm sinh của mình, không bị ép buộc “trở thành” một giới tính cụ thể – chúng sẽ trở thành một con người hoàn chỉnh và cân bằng trong mọi phương diện của đời mình.
“Vật cùng tắc phản” – quá Âm quá Dương đều có hại. Chỉ cân bằng hài hòa mới là chính đạo.