Mùa xuân ở Cửu Trại Câu báo hiệu một mùa hè ấm áp hơn sắp tới, khi các thác nước tràn trề chảy ngày đêm và làm đầy toàn bộ vùng thung lũng. Hương mùa hè của cỏ cây tràn ngập khắp nơi. Mùa hè, trái chín đỏ ối. Các loài thú hoang tự nhiên lang thang kiếm ăn. Cửu Trại Câu bình an và được bảo vệ tuyệt vời đến nỗi các chú sóc, chú chim thản nhiên chạy quanh chân bạn hoặc đậu ngay cạnh du khách để ăn những mẩu bánh nhỏ.
Khi tôi ở đây, Cửu Trại Câu đã vào mùa đông. Những con đường ngập tuyết. Những khu rừng không còn nhiều sắc màu. Hồ vẫn xanh trong lặng lẽ, phản chiếu bóng núi tuyết và bầu trời đông không gợn mây. Đi trên đường gỗ quanh co trong núi, nhìn suối từ từ chảy, lá rụng ngập đường cũng chậm chạp đóng băng thành chiếc lá băng mỏng mảnh, thốt nhiên nhớ lại cảnh các nhà thơ thời Đường Tống, “bầu rượu túi thơ, áo cừu, đi thưởng tuyết”.
Mùa đông dường như là mùa dành riêng cho người yêu thích sự cô đơn, khi có thể một mình lang thang trong rừng vắng, cảm nhận hết vẻ đẹp của cái nhạt nhòa tinh khiết chung quanh. Tranh thủy mạc truyền thống Trung Hoa tôn sùng vẻ đẹp mùa đông, chỉ vài nét bút mực tàu mà nói lên hết được sự cô đơn trong trái tim người nghệ sĩ. Mùa đông, thác Trân châu đông lại thành những dòng hạt kim cương lấp lánh cao hai ba mươi mét. Các dòng suối cũng đóng băng như dòng ngọc. Chỉ một màu trắng bao phủ.
Ai yêu thích phim Tây du ký sẽ dễ dàng hình dung thác Trân châu trong cảnh giới thiệu phim khi thầy trò Đường Tăng bắt đầu chuyến du hành, đ ingang qua trên thác. Thác Trân châu rộng 310m, cao tới 40m, là một trong hai thác nước lớn nhất ở đây. Từ trên cao nhìn xuống, thật là khung cảnh ấn tượng khi cả một triền nước rộng mênh mông tới hàng ngàn mét vuông chảy qua bãi đá bạt ngàn cây dại, và đổ xuống thành một dòng thác bạc dữ dội, tung ra những trận mưa bọt nước li ti lấp lánh dưới nắng, rồi theo dòng suối chảy tuôn tràn xuống thung lũng, quay tít bánh xe pháp luân rồi phủ ngập những cánh rừng thưa nơi cỏ cây nhẫn nại dầm chân trong nước …
“Hoàng Sơn quy lai bất khán sơn. Cửu Trại quy lai bất khán thủy” ((đến Hoàng Sơn về không cần xem núi ở đâu nữa – ở Cửu Trại về không cần đi đâu ngắm nước nữa) – Người Trung Quốc đã có câu nói nổi tiếng trên về vẻ đẹp của nước ở Cửu Trại, và tôi nghĩ chắc họ đúng.
Nước ở đây quá đẹp.
Hồ Ngũ Hoa, hồ Hoa Hải nổi tiếng bởi mặt nước có tới 5 sắc độ màu khác nhau từ xanh rêu, xanh lục bảo, xanh da trời, đỏ tím và vàng. Sáng sớm, lúc bình minh lên là thời điểm tuyệt vời nhất để ngắm hồ, khi ánh ban mai từ đỉnh núi chạy xuống mặt nước và từ từ tỏa chiếu sáng mặt hồ, tạo nên từng lớp sắc màu cuốn qua nhau như đôi rồng ấp nhau quấn quyện ái tình …cảnh tượng này được coi là cảnh ấn tượng nhất ở đây.
Tháng 12. Trời lạnh nhưng không quá buốt giá nhờ nắng ấm áp. Đi bộ thong thả xuống núi là cái thú sung sướng, khi lâu lâu ngồi nghỉ chân trên băng ghế gỗ dưới nắng, nhìn đám sóc chạy lao xao, ngắm những rặng lá vàng còn sót lại và nghe suối chảy róc rách trong không gian thinh lặng.
Tôi và cô gái người Thượng Hải thường hẹn gặp nhau ở cổng chính, rồi từ đó hai đứa đi lang thang. Cô gái trẻ ấy giống như rất nhiều cô gái Trung Quốc tôi biết, có nước da trắng mịn, má bầu, vô cùng dễ thương và nhiệt tình. Chiều xuống, khi bên ngoài nhiệt độ tới -10oC, chúng tôi thích rủ nhau ngồi trong nhà hàng ấm áp, thưởng thức món thịt bò Yak nấu kiểu địa phương với thật nhiều ớt, một đĩa nấm tươi xào thơm mùi núi, và một âu cơm gỗ trắng tinh, thêm chút rượu dân tộc, là trọn vẹn cho một ngày mùa đông.
Trái lê ngon nhất trần đời là trái lê được hái và ăn trong ngôi làng trên núi Cửu Trại, mùa đông ấy. Nhỏ, mỏng vỏ, thơm mát, chỉ cắn vào là tan ra ngay trong miệng, lần đầu hiểu khái niệm thức ăn của thiên đường nó ra làm sao, và từ đó tới nay vẫn chỉ có trái lê ấy là trái cây ngon nhất, thanh khiết nhất tôi từng được nếm.
…………….
Trích từ sách: “Đi và Yêu” của tác giả Phương Hoa.
Link đặt sách: https://forms.gle/wD9ebRgVPbAGxa3h7