Vài năm trước tôi ghé thăm một cô bạn FB luôn than ốm, mệt dù ăn uống “thực dưỡng”. Nhà trong ngõ, có khoảng sân thoáng trước cửa, thế nhưng vừa bước vào nhà, tôi chóng cả mặt vì căn nhà đã bé thì chớ lại còn ngồn ngộn đồ đạc, đồ ăn thức uống, chai lọ bình hoa, đồ chơi đồ dùng, tranh treo tường, cây cối. Bừa bộn, tối tăm, lộn xộn, mùi nấu nướng hòa vào nhau, cốc chén cáu bẩn. Chưa cần hỏi bệnh, tôi đã biết tại sao em ấy lúc nào cũng ốm.
NGÔI NHÀ NÓI LÊN TÍNH CÁCH CHỦ NHÂN!
Ai biết tôi kỹ một chút thì sẽ biết tính tôi ưa sạch sẽ tới mức độ nào. Không chỉ ưa mặc đồ trắng mà nhà cửa sơn trắng, ghế nệm trắng, đồ dùng bát đĩa trắng, khăn lau trắng, thảm trắng. Đi ngoài đường về không bao giờ để nguyên quần áo ngoài đường ngồi thẳng lên giường hay sofa. Đồ mặc trong nhà không bao giờ mặc đi ngủ; đồ ngủ riêng. Khăn mặt cả chồng, mỗi ngày rửa mặt xong là bỏ giặt thay khăn mới. Giẻ rửa bát cũng cả tập, mỗi ngày xong là bỏ giặt với các loại khăn lau tay, lau bếp.
LÀM THẾ NÀO GIỮ SẠCH NHÀ MÀ KHÔNG TỐN THỜI GIAN?
1. Nhà càng ít đồ càng tốt.
2. Sử dụng tủ đa năng để tích hợp các món đồ vào với nhau. Ví dụ: 1 tủ bếp lớn được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp; một tủ quần áo lớn có thể chứa cả chăn nệm…
3. Để khăn lau ở bất cứ chỗ nào cảm thấy cần thiết, để bất cứ khi nào tiện là bạn có thể lau ngay mà không phải chạy đi tìm. Nhà mình còn để cây lau nhà riêng ở từng tầng để tiện là lau. Như vậy nhà luôn sạch, không phải chờ tới khi quá bẩn và mất cả ngày tổng vệ sinh. Làm tới đâu, dọn ngay tới đó. Khi nấu ăn thì lau bếp, khi ngồi làm việc thì lau bàn và quanh bàn lúc giải lao.
4. Các loại khăn lau trong nhà cần mua màu khác nhau để dễ phân biệt. Khăn lau tay, lau bếp, lau bàn ghế, lau nhà … đều phải khác nhau, không dùng chung khăn. Nhà mình từ bàn làm việc tới nhà tắm, kệ sách, đều có khăn lau nhỏ riêng để ở từng nơi một. Có một xô riêng ở khu vực giặt để bỏ khăn lau bẩn. Dĩ nhiên là đồ lau bát và lau tay phải giặt riêng rồi.
5. Máy sấy quần áo là quan trọng số 1, giúp hong khô đồ. Có thể tiết kiệm gì thì tiết kiệm, nhưng tuyệt nhiên không tiết kiệm cho sự sạch sẽ.
6. Máy sấy bát đĩa cũng nên có vì giúp sấy bát nhanh và cất gọn.
7. Càng ít thứ xuất hiện ở ngoài thì càng tốt, dùng xong là cất vào trong tủ đa năng, đỡ bụi bẩn. Tôi ngại nhất những cái bàn uống nước/bàn bếp với đầy đồ lặt vặt ở trên và dưới bàn. Nên mua loại bàn có hộc để bỏ tất cả vào hộc đó, cần mới lấy ra.
8. Mỗi vài tháng nên lọc lại xem cái gì mình cần, cái gì không cần và bỏ bớt đi. Đừng tích trữ theo kiểu “có khi cần”. Nhà mình 5 năm nay chỉ có mỗi 5 cái bát ăn cơm thấy cũng chẳng làm sao.
9. Nhà có con nhỏ thì lại càng tuyệt đối cần gọn gàng, tạo không gian an toàn, tự do, rộng rãi cho con vui chơi tự do thay vì chạy theo sợ con làm đổ vỡ hay hỏng đồ. Luôn có thùng lớn để đồ chơi ở góc nhà cho con, chơi xong là bỏ hết vào thùng dễ dàng nhanh chóng.
10. NGĂN NẮP – làm sao để bạn và cả nhà luôn biết chính xác cái gì thì ở đâu để không bao giờ phải đi tìm. Dán nhãn nếu con bạn còn nhỏ để cho bé tập thói quen ghi nhớ nơi cất đồ. Cái này tưởng đơn giản nhưng giúp bạn tiết kiệm thời gian rất nhiều.
Đừng đổ tại mình não cá vàng chẳng biết cái gì cất ở đâu, chẳng qua chỉ là bạn bừa bộn quá mà thôi
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ MỘT CĂN NHÀ THANH LỊCH?
1. Nếu bạn không sở hữu một căn nhà được thiết kế bởi chuyên gia và không có tiền + khiếu thẩm mỹ để trang trí một cách sành điệu, thì lời khuyên của tôi là hãy giản dị. Sự giản dị mang lại cảm giác thanh nhã và không phô bày cái thiếu hiểu biết của bạn (nếu bạn thực sự không biết).
Tôi tới rất nhiều ngôi nhà của nhà giàu và nhiều lần phải mỉm cười vì sự trọc phú phô trương một cách đáng thương của chủ nhà. Không phải là coi thường, mà chỉ cảm thấy tội vì nó đắt quá và xấu quá. Tiền và thanh lịch không phải bao giờ cũng là một cặp.
Ví dụ một bức tranh Bờ hồ sao chép rất vụng về treo lù lù giữa căn biệt thự trị giá hàng chục tỉ, hay bài trí phòng khách chỗ này thì ghế cổ châu Âu, góc kia lại sập gụ kiểu Á; ghế sofa màu sắc không liên quan tới tường và bức tranh treo sau ghế …
2. Giản dị đầu tiên là màu sắc tổng thể.
– Căn nhà không nên toát ra quá ba tông màu, trong đó phải có ít nhất là hai màu pastel + 1 màu nhấn; hoặc khó hơn là ba tông màu ton-sur-ton. Ba tông màu này là tính cả rèm cửa sổ, đồ đạc chính, tranh treo tường … Tôi biết xu hướng nhiều người thích màu sắc rực rỡ, nhưng chơi màu không dễ tí nào. Bạn cần hiểu xem màu sắc có hợp với mình hay không và có hợp với người nhà của mình không, vì màu sắc cũng ảnh hưởng tới sức khỏe.
3. Giản dị với đồ đạc:
– Không nên có quá 3 món đồ chính trong từng phòng. Các món đồ phụ cần được cất gọn.
– Luôn tạo một khoảng không thoáng nhất có thể trong từng phòng bằng cách sắp xếp đồ dẹp ra sát các vách tường.
– Nếu bạn có bộ sưu tập muốn trình bày, hãy lập một góc riêng cho nó thay vì bày khắp nơi.
ƯU TIÊN SỐ 1 LÀ: CẦN CÓ KHOẢNG TRỐNG TRONG PHÒNG. GIỐNG NHƯ DẤU LẶNG TRONG BẢN NHẠC, KHOẢNG TRỐNG MANG LẠI SỰ THONG THẢ VÀ THƯ THÁI CHO CẢ CĂN NHÀ!
4. Giản dị nhưng đầy Sức sống:
– Ngôi nhà thanh lịch là ngôi nhà có sức sống. Đừng bận tâm tới mua sắm đồ đạc đắt tiền, thay vào đó có thể làm một khoảng vườn xanh nhỏ ở ban công, thường đốt trầm thơm, giữ cho nhà bạn thật sạch sẽ, gọn gàng, luôn có tiếng nhạc êm ái, thế là đủ.