Trong lớp Reiki tuần rồi có em hỏi tôi: “Sao chị không làm healing – chữa lành (thường về mặt tổn thương cảm xúc) cho người khác?”
Tôi trả lời bạn ấy: “Ai cũng có thể tự chữa lành cho mình – nhưng hầu hết người ta không muốn được chữa lành. Nếu sâu thẳm bên trong họ không muốn, thì không ai có thể chữa lành cho họ được. Vết thương chớm khép miệng thì họ lại cắt ra – thần thánh nào chữa nổi?”
3 năm trở về trước, tôi vẫn còn rất say sưa “chữa lành” cho người khác. Các bạn nam/nữ đến với tôi không ít, hầu hết đều bị các vấn đề stress, trầm cảm … mà nguyên nhân hầu hết đến từ mối quan hệ độc hại trong quá khứ hoặc hiện tại.
Tôi đã đưa ra rất nhiều lời khuyên, thực hành, chia sẻ, nâng đỡ, thậm chí cả hỗ trợ tìm việc làm mới, cho vay tiền … để họ có can đảm đi qua những rào cản tâm lý ngăn cản họ giải quyết vấn đề làm họ đau khổ. Thế nhưng, số lượng thực sự được “heal” quá ít. Hầu hết bỏ cuộc giữa chừng, hoặc dịu đi vài triệu chứng là tưởng mình đã xong.
Sau nhiều năm, tôi nhận ra rằng, hầu hết ở ngoài miệng thì khao khát chữa lành, thay đổi – nhưng thâm tâm họ không muốn chữa. Họ vẫn đi tìm hết coach này tới khóa học khác, từ thầy này tới chùa kia … để tự trấn an mình là “ừ tôi vẫn đang đi tìm kiếm con đường thoát khỏi khổ này đây”.
Thật ra, đơn giản là bên trong họ nhất định không chịu “sướng” mà thôi.
Người thật sự muốn được chữa lành thì dễ thấy lắm. Họ không cần học nhiều, họ thâm tâm hiểu rõ nỗi đau nội tâm và đều biết làm sao để đi qua. Người thầy/ healer lúc đó chỉ đóng vai trò trao thêm một số kỹ năng, khuyến khích động viên và nâng đỡ tinh thần cho họ một khoảng thời gian như tạo đà.
Từ đó họ tự đi trên con đường tự chữa lành của mình và tận hưởng thành công đích thực từ chính sức mạnh nội tâm của mình.
Tại sao người ta lại không muốn chữa lành tổn thương đó?
Hầu hết các tổn thương cảm xúc đều xuất phát từ mối quan hệ.
Có những người không muốn chữa lành vì họ không dám chịu trách nhiệm về đời họ/ về vui buồn sướng khổ của bản thân. Nếu cuộc đời mọi sự không có vấn đề gì, thì sự thành công hay thất bại ta phải tự chịu trách nhiệm – cái này thật phiền nha.
Vì thế, nên chắc chắn phải có “ai đó/cái gì đó” chịu trách nhiệm cho sự khốn khổ/ yếu kém/ dốt nát/ yếu đuối/ thất bại … của ta.
Vừa hay ta có sẵn “ai đó”. Đó có thể là một người bố/mẹ ghê gớm khi bé; là một ông chồng/ bà vợ/ người yêu cũ không ra gì; một môi trường sinh ra khó khăn; một tuổi thơ bất hạnh; một giáo viên tồi tệ … hoặc cao hơn là một đất nước dốt nát; một chính phủ cộng sản chuyên chế; một thế giới toàn bạo lực …
Nếu đã có đứa chịu trách nhiệm cho mọi vấn đề của đời ta rồi, thì ngu gì mà vứt nó đi? Ngu gì mà chữa lành? – Cái Tôi của họ thì thầm như vậy.
Nên, chẳng mất thì giờ chữa lành cho những người như thế, em ạ.
Chữa lành tổn thương thật dễ; chữa lành cái Tôi mới khó