Tôi lớn lên trong sách vở, đọc vô số, học đủ thứ.Thế nhưng, càng học, tôi càng đặt câu hỏi vào việc: Thực sự chúng ta học để làm gì?Tôi luôn nhớ điều bố tôi dạy khi tôi bắt đầu đọc sách: “Con đọc sách, nhưng đọc xong thì vứt bỏ những thứ mình đọc ấy đi, và cố gắng nhận ra xem sau toàn bộ cuốn sách ấy, rốt cuộc con rút ra/học được một điều gì thực sự có ý nghĩa với con?”
Biển kiến thức mênh mông, rốt cuộc chung quy lại, là để làm gì?
Tôi sinh ra lớn lên trong gia đình toàn là giáo sư với tiến sĩ (bố thông thạo 5 thứ tiếng, mẹ học Dược từ thời năm 1959; anh trai chị gái bảo vệ tiến sĩ Toán kinh tế và Ngôn ngữ ở Pháp và Đức, giắt túi vài ngoại ngữ); với tay sang nhà các bác các dì cũng nhặt ra thêm vài chục ông bà giáo sư tiến sĩ khủng toàn từ các đại học danh tiếng quốc tế. Đi làm nhà báo từ năm 1995, lại gặp gỡ thân thiết với một cơ số không hề nhỏ các nhân vật lớn từ ủy viên TƯ tới bộ trưởng, thứ trưởng, nhân sĩ, trí thức, nhà văn, nhà ngoại giao, doanh nhân, triết gia …
30 năm nay, tôi luôn chú ý quan sát tất cả những người tôi gặp ấy, đặc biệt là những người được coi là tài giỏi, trí thức, danh tiếng. Tôi luôn tự hỏi, kiến thức mang lại gì cho họ? Cuộc đời họ rốt cuộc đi tới cùng là như thế nào?
Và đây là những câu hỏi tôi thường đặt ra khi quan sát đời sống của những con người đó:
– Họ có sống bình an không? Bình an đây là sự bình an nội tâm, không bị chi phối bởi cảm xúc tức giận, ganh tị, cáu kỉnh, lo sợ. Sự bình an nội tâm là sự cân bằng, cho phép tâm trí trí tuệ sáng suốt, đưa ra quyết định/ phản ứng mang lại sự bình an cho chính mình và người khác. Người có trí tuệ thực sự là người luôn để trí tuệ sáng suốt dẫn dắt hành động của mình.
– Họ có khỏe mạnh không? Sự khỏe mạnh về thân thể chính là một biểu hiện của sức khỏe tinh thần. Người có kiến thức thực sự sẽ luôn quý trọng cơ thể, luôn lắng nghe và quan tâm tới cơ thể, hiểu được cơ thể và hợp tác với nó, chăm sóc nó đàng hoàng tử tế. Bệnh trạng tới từ nhiều lý do ta không thể kiểm soát hết, nhưng ít nhất, cần biết dùng kiến thức của mình để chăm sóc tốt cho mình ở mức tốt nhất có thể.
– Họ có vui vẻ, yêu đời, tỏa sáng không? Người khác tới bên họ có cảm nhận thấy sự bình an, niềm vui, tình yêu với cuộc sống không?. Hay cứ ở gần là chỉ nghe thấy họ nói tới sự tối tăm, bất an, khủng bố tinh thần? Người có trí tuệ, có học vấn, sẽ có tầm nhìn nhiều thế kỷ, nhìn từ quá khứ cả ngàn năm để hiểu được sự xoay vần của thế cuộc, của nhân sinh, để có thể mỉm cười bình tĩnh trước nhân tình thế thái, nhìn rõ đằng sau sự vần vũ của bão tố là những ngày mát mẻ, sau bóng đêm là mặt trời lên. Chỉ khi đứng ở cách nhìn ấy, họ mới có thể bình tĩnh mang lại sự động viên, khuyến khích, giúp đỡ cho người khác.
– Họ có lòng biết ơn không? Họ có khả năng nhận ra những điều tốt đẹp họ đang nhận được mỗi ngày không? Họ có khả năng liên tục bày tỏ sự biết ơn với tất cả những gì họ nhận được hay không? Khả năng nhận ra và bày tỏ sự biết ơn với tất cả – chỉ có thể bắt nguồn từ trí tuệ thực sự (biết rằng thế giới vô biên, biển kiến thức vô tận, biết rằng mình có được như mình bây giờ là hợp lại từ sự hài hòa vô tận của triệu triệu hành động xảy ra liên tục từ vô số sinh vật/con người trong thế giới này).
– Và cuối cùng, họ có hạnh phúc không? Họ có cảm thấy mỗi ngày là một ân huệ của cuộc đời này, là một cơ hội để chia sẻ yêu thương, bình an, sự trân trọng với người khác, để sau mỗi ngày, khi lên giường ngủ, có thể mỉm cười cảm ơn cuộc đời, có thể nhẹ nhàng ngủ một giấc bình an, với tâm thế dẫu ngày mai không đón bình minh nữa thì cũng không có gì cần phải dằn vặt, hối tiếc?
Tôi không thấy bất kỳ ai trong những vị trí thức tôi quen biết và theo dõi suốt mấy chục năm qua đạt được điều này. Họ chỉ có một số khoảng thời gian ngắn ngủi được trải nghiệm những cảm xúc ấy, rồi lại nhanh chóng mất đi.
Nhưng điều đó chẳng lẽ khó thế hay sao?
Bạn chẳng có bình an, hạnh phúc, vui vẻ, tự do … xong bạn đi dạy người khác để họ cũng tiếp tục trở thành như bạn?
Đã tới lúc nên nhìn lại bản chất của sự học!
………..