Không làm gì hết

Tối trước ngồi trò chuyện với một em đang coach. Em mới chuyển công việc, trách nhiệm cao hơn, vừa về đã thấy việc ngập đầu, nhìn đống sổ sách giấy tờ bàn giao mà mệt mỏi. Em bảo: “Em thấy oải quá chị ạ, ngày nào cũng dậy từ sáng tinh mơ, tối về mệt nhoài. Không biết làm sao cho hết việc”.
Tôi buồn cười quá, nhìn cậu em mới 27 tuổi, đẹp trai sáng láng, có tài, thành đạt sớm – từ ngày quen nhau thấy cậu cứ làm việc không ngừng và quên mất rằng ngoài kia bao điều thú vị mà một chàng trai tuổi ấy nên trải nghiệm.

Em ơi,
Khi mọi thứ ùn ùn kéo đến, khi em cảm thấy có vô số điều em cần phải làm, khi áp lực đổ đến từ tứ bề, thì điều tốt nhất có thể làm, là KHÔNG LÀM GÌ HẾT.
Đây là một kỹ năng vô cùng cần thiết.
Khi dừng lại một khoảng thời gian, ta cho mình mấy điều lợi ích:

– Có thể bước ra ngoài sự hỗn độn để tạm nghỉ ngơi. Cho đầu óc và thân thể được nghỉ ngơi. Chỉ khi đầu óc và thân thể được thoải mái, thì mới có khả năng nhìn ra vấn đề và có giải pháp đúng đắn.
– Khi bước ra ngoài sự hỗn độn, thì em đặt mình vào vị trí người quan sát. Ở vị trí người quan sát, em có thể tạm đặt mình ra bên ngoài sự ràng buộc của những kỳ vọng, những mối quan hệ … Chỉ khi đó, em mới có thể nhìn nhận câu chuyện trong tính toàn thể của nó và nhận ra nên bắt đầu gỡ rối từ đâu.
– Khi tạm dừng, thì điều hiển nhiên nhất là mọi thứ sẽ bớt rối đi một cách tự động. Ví dụ em vừa mới về cơ quan mới, đã lăn xả vào làm để chứng tỏ mình – trong khi chưa dành thời gian quan sát mọi thứ đã có một cách cẩn thận – vô tình em lại góp thêm phần làm cho mọi thứ có thể đang lộn xộn một cách “ổn định”, trở nên lộn xộn một cách bất ổn hơn rất nhiều.

Hãy tạm dừng lại. Cho mình một vài ngày tĩnh lặng, quan sát, mỉm cười với tất cả. Bày tỏ tình cảm với đội nhân viên em mới tiếp quản (họ đã làm việc ở đây lâu hơn em rất nhiều và cũng đang hồi hộp quan sát sếp mới). Bày tỏ sự tôn trọng và trân trọng với những gì họ đã làm được.
Đừng vội chỉ trích, vì có thể có nhiều lý do dẫn tới việc họ làm chưa tốt. Đừng vội vã mang tiêu chuẩn của mình ra áp đặt cho người khác.

Một người lãnh đạo giỏi là người lãnh đạo được chính mình. Lãnh đạo chính mình không phải chỉ là có thể kiểm soát làm chủ cảm xúc tâm trí của mình, mà quan trọng hơn là khả năng luôn nhận ra điều tốt đẹp và tài năng ở người khác – và giúp họ phát huy điều đó, cũng như giúp họ chuyển hóa điểm yếu thành điểm mạnh.

Điều này là cốt lõi luôn được dạy ở các lớp Nhận thức bản thân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *