Bố mẹ và con

Hai năm ở Lifeschool, rồi sau này trở thành life coach, tôi đã đi cùng không ít bạn trên hành trình vượt qua những niềm tin cũ, để có thể tự do bắt đầu sống cuộc sống “của mình”.

Niềm tin cũ, đó chính là những điều được dạy dỗ, áp đặt từ bố mẹ, từ giáo dục nhà trường, ăn sâu vào và hình thành nếp sống, thói quen suy nghĩ, hành động … Cơ bản, những niềm tin vào giá trị phổ quát là tốt. Nhưng bên cạnh đó, đa phần người làm cha mẹ, giáo viên – bản thân đã trải qua nhiều tổn thương trong cuộc sống và từ những tổn thương ấy, họ mang tới áp đặt lên con mình một cách giáo dục nhân danh yêu thương nhưng sâu xa lại đầy tàn nhẫn.

Bạn hãy cứ thử tự ngồi yên và soi lại chính mình xem, mình đã chịu những tổn thương nào từ bé bởi bố mẹ, thầy cô, người xung quanh mình? Những tổn thương ấy đã và đang ảnh hưởng tới bạn sâu sắc như thế nào? Bố mẹ, nhân danh sự yêu thương, đã khiến những năm tháng tuổi trẻ của bạn phải đối mặt với sự lo âu, sợ hãi, khủng hoảng như thế nào?

Chúng ta không lạ gì với tin tức những đứa trẻ tự tử, trầm cảm, rối loạn hành vi … Đừng nghĩ rằng đó là “con người ta”, còn con mình thì không. Bạn như thế nào, thì con bạn như thế đó.
Con tôi thường xuyên kể cho tôi những câu chuyện về bạn bè con, các em còn ở độ tuổi học trò, bạn cùng lớp, cùng trường hoặc trường khác. Những câu chuyện tôi nghe mà thực sự xót lòng, lo lắng cho các con, vì chúng đang phải tự mình vật lộn và đối mặt với sự khủng hoảng trong cô độc – một cuộc chiến không cân sức mà chúng vẫn đang cố gắng chiến đấu.

Chiến đấu chống lại cái gì?
– Sự cô đơn trong gia đình, khi bố mẹ không có thời gian cho con cái hoặc bố mẹ chia tay, hoặc mỗi người còn đang tự vật lộn với sự khủng hoảng của chính họ.

– Khủng hoảng lo sợ không được yêu, vì không đáp ứng kỳ vọng của bố mẹ, vì không đáp lại xứng đáng với sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ bằng điểm số tốt, bằng “ngoan”, bằng học tốt ở trường và thêm cầm kỳ thi họa …để được “như con người ta”. Có ai biết rằng những đứa “con người ta” hoàn hảo kia còn đối mặt với những vấn đề gian nan gấp nhiều lần những đứa trẻ bình thường?

– Khủng hoảng vì không được sống như chúng biết rằng cuộc sống đang là như thế. Đang độ tuổi đẹp đẽ, tuổi trưởng thành, đầy sức sống, đầy tò mò khám phá, muốn tự tin khằng định mình, tự tin tìm đường đi cho chính mình. Thì đây, phải sống thế này, làm nghề này, tương lai phải thế này, nếu không nhìn mà xem (quá khứ) rồi sẽ khổ như người này người kia … Rốt cuộc, có bao giờ đứa trẻ được sống trong hiện tại? được tận hưởng những ngày thoải mái, vui đùa, picnic, nhảy múa, hạnh phúc trong yêu thương, và trưởng thành trong yêu thương?

Khủng hoảng tuổi thành niên là khủng hoảng của sự tìm biết về mình, khẳng định con người mình “tôi là ai” – đó là độ tuổi cần sự hỗ trợ và ủng hộ, đồng hành của bố me nhất. Thế nhưng, hầu hết những đứa trẻ ở độ tuổi con tôi (lớp 11-12) giờ đang phải vật lộn với đống sách vở, học thêm triền miên, để chỉ thỏa nguyện cho ai: Cho bố me chúng. Cho bố mẹ thoát khỏi nỗi lo sợ là con mình sẽ “không đậu đại học, học trường tốt, sau này kiếm việc tốt …”
Chúng đâm đầu vào một ngôi trường đại học nào đó và tiếp tục lê lết thêm mấy năm thanh xuân tươi đẹp nhất, rồi tiếp tục ra trường, lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái (cũng vì mong muốn của bố mẹ nốt), rồi vật vã sống …
Để rồi tới tuổi 40, thậm chí bây giờ sớm hơn nữa là 25 – 30, chúng bắt đầu tìm tới Life coach, tìm tới các khóa học phát triển bản thân, khóa healing, chữa lành, tới thiền, tới đi chùa, tới đủ thứ …

Còn nhiều nữa, những tổn thương từ lời nói, hành vi, cách đối xử của bố mẹ … Tôi có thể nói rằng, bố mẹ thực sự xuất phát từ yêu thương, nhưng rồi chính sự yêu thương ấy lại nhét thêm vô số kỳ vọng, và Yêu thương + Kỳ vọng = Tàn nhẫn.

Tôi không thích mẹ Hổ, tôi cũng không thích việc nổi tiếng vì dạy con. Coi chừng khi mình nổi tiếng vì dạy con, vì vô hình trung mình gây áp lực lớn cho đứa trẻ “phải luôn giữ hình ảnh là con của mẹ etc …”.
Là con của một ông bố bà mẹ thành đạt đã là áp lực rồi, việc tốt nhất bố mẹ có thể làm là khiêm tốn, giản dị hơn, giản dị hơn nữa với mình và con, cho con thấy bố mẹ cũng không “hoàn hảo”. Con tôi từng chịu áp lực đó và nàng từng nỗ lực để “như mẹ”, cho tới một ngày nàng nhận ra là “mẹ cũng đầy sai lầm, khuyết điểm, đầy vật vã” – và từ đó nàng mạnh mẽ, trưởng thành, can đảm “là mình” – vượt qua cái bóng của mẹ.

Con cái là cơ hội giúp bố mẹ healing (chữa lành) tổn thương quá khứ của chính mình – chứ không phải là để “trả thù” lại những tổn thương ấy bằng cách đưa chúng vào quan hệ với con mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *